NỘI SOI DẠ DÀY TẠI KHOA NỘI SOI- THĂM DÒ CHỨC NĂNG
1. Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là dùng một ống soi mềm để quan sát thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng giúp chẩn đoán và làm các thủ thuật can thiệp nếu cần.
2. Khi nào cần nội soi dạ dày
- Khó chịu hoặc đau không rõ nguyên nhân ở vùng bụng trên rốn.
- Ợ hơi, ợ chua, tức ngực, … (Triệu chứng của GERD hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản)
- Buồn nôn và nôn liên tục.
- Chảy máu ở đường tiêu hóa trên (nôn ra máu hoặc đại tiện phân đen).
- Khó nuốt, nuốt vướng, nuốt nghẹn
- Phát hiện bất thường hoặc không rõ ràng trên chụp X-quang, CT scan hoặc MRI đường tiêu hoá trên.
- Loại bỏ dị vật
- Kiểm tra sau điều trị hoặc tiến triển của các polyp (khối u), khối u hoặc ổ loét đã tìm thấy trước đó.
- Tầm soát, phát hiện và xử lý kịp thời ung thư sớm thực quản, dạ dày,…
3. Nội soi dạ dày có những phương pháp nào?
Hiện nay, nội soi dạ dày có thể qua đường miệng hoặc đường mũi, bệnh nhân có thể lựa chọn gây mê (nội soi không đau) hoặc không gây mê. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng và được chỉ định trong từng trường hợp bệnh cụ thể.
3.1. Nội soi dạ dày qua đường miệng
Đây là phương pháp nội soi truyền thống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
- Ưu điểm: Dễ thực hiện, độ chính xác cao (nếu bệnh nhân hợp tác tốt), giá thành thấp.
- Nhược điểm: Nội soi dạ dày bằng ống mềm có đường kính lớn, khi đi qua đường miệng sẽ kích thích vào lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi làm bệnh nhân buồn nôn, khó chịu, gây cảm giác sợ hãi khi nội soi (một số trường hợp do buồn nôn, nôn nhiều nên có thể bị đau rát họng, sây sát họng sau soi).
3.2. Nội soi dạ dày qua đường mũi
ỐNG SOI DẠ DÀY ĐƯỜNG MŨI TẠI KHOA THĂM DÒ CHỨC NĂNG
- Soi thực quản - dạ dày - tá tràng qua đường mũi là đưa ống soi dạ dày qua đường mũi vào thực quản rồi xuống dạ dày, hành tá tràng và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán những bệnh lý của thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng.
- Ưu điểm: Dễ thực hiện, độ chính xác cao. Ống soi có đường kính nhỏ (đường kính khoảng 5,9 mm) và đi qua đường mũi, không chạm vào lưỡi gà và vùng hầu họng nên ít gây buồn nôn, người bệnh đỡ khó chịu hơn.
- Nhược điểm: Phương pháp này không thực hiện được nếu bệnh nhân bị bệnh lý vùng mũi, hẹp khe mũi; chi phí cao hơn soi đường miệng. Khi phát hiện bệnh lý cần can thiệp lấy dị vật, cắt polyp, cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản, tiêm xơ, nong hẹp,... thì không thực hiện được ngay và phải chuyển sang soi đường miệng.
3.3. Nội soi dạ dày có gây mê - không đau
- Với những trường hợp bệnh nhân có tâm lý sợ hãi hoặc yêu cầu giảm đau khi nội soi, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp nội soi dạ dày gây mê.
Soi thực quản - dạ dày - tá tràng gây mê là đưa ống soi dạ dày qua đường miệng vào thực quản rồi xuống dạ dày, hành tá tràng và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng khi người bệnh trong tình trạng mê.
Ưu điểm: Vì được gây mê nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy khó chịu, buồn nôn khi soi, không bị ám ảnh sau khi nội soi, và nhất là không có các hành động nguy hiểm như giật ống soi hay giãy giụa. Thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc mê ít nên bệnh nhân tỉnh nhanh sau soi (4 - 5 phút sau nội soi), không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Do bệnh nhân mê trong lúc soi nên bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp thuận lợi và an toàn hơn.
Nhược điểm: Chi phí cao hơn nội soi thông thường. Thực hiện phức tạp, cần thêm bác sĩ gây mê, có thể phải làm thêm một số xét nghiệm cũng như điện tim đồ. Một số trường hợp bệnh nhân sau khi tỉnh vẫn còn mệt mỏi, buồn ngủ do thuốc mê, cần phải kiểm tra thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc mê.